Mẹo chọn mua hải sản tươi ngon


Dưới đây là cách đơn giản giúp bạn có thể lựa chọn mua được những loại hải sản tươi sống.

Cách chọn

- Tôm

* Phần đầu dính chặt vào thân, các càng vẫn còn nguyên, đưa lên mũi ngửi thấy không có mùi tanh, ươn là được.

* Tùy từng loại tôm mà bạn có những cách phân biệt khác nhau. Với tôm hùm, những con còn tươi ngon là tôm có càng xanh trong, vỏ tươi bóng. Tôm he khi cầm lên xem, tôm còn nhảy tanh tách, có màu hồng trắng, mắt xanh, đó mới là tôm ngon và còn khoẻ.

* Tôm sắt khoẻ và ngon là tôm còn tươi, có màu hồng trắng, nếu tôm có màu hồng đậm là tôm để lâu, đã ươn, không đảm bảo chất lượng. Tôm sú thì có vỏ bóng, trơn, sống giữa thân tôm tươi và trong, đó mới là tôm ngon, chắc thịt.

Mang-boc


- Cua, ghẹ

* Nhìn càng cua, nếu thấy mọng nước là cua xốp, không ngon. Lớp vỏ bên ngoài có màu xám đục, dùng tay ấn vào yếm cua thấy rắn chắc, yếm to là cua có nhiều thịt. Chân và càng chuyển động khỏe mạnh, linh hoạt, gai trên càng và mai cua vẫn còn sắc nguyên.

* Quan sát màu sắc của ghẹ, nên chọn ghẹ có yếm màu đỏ, chân ghẹ co lại là ghẹ còn tươi. Đừng nên chọn ghẹ lớn, những con vừa sẽ cho thịt thơm và ngon hơn.

* Nếu ăn ghẹ thịt nên bấm vào sát phần yếm, gần mái chèo, nếu không lõm thì đó là cua ghẹ chắc thịt.. Nếu thích ăn ghẹ có gạch thì chọn con cái. Những con này có màu hơi ngả vàng, các chân của chúng bóp rất chắc.

* Trong những ngày trăng tròn, bạn không nên mua cua, ghẹ vì sẽ bị ốp (thịt nhão, mềm) không ngon.

Mang-boc


- Sò huyết

* Sò huyết là một loại hải sản bổ dưỡng và cũng là món ăn khoái khẩu của nhiều người đặc biệt là các chị em phụ nữ. Tuy nhiên, mua được sò tươi, ngon không phải dễ. Thậm chí nhiều chị em khi đi mua cứ thấy con to là chọn nhưng thực tế những con như thế chưa chắc đã ngon. Vì vậy chị em cần lưu ý:

* Sò huyết ngon là con phải lớn vừa ăn, không quá to cũng không quá nhỏ. Con nhỏ quá khi chế biến sẽ bị teo ngắt lại (nhất là nướng sò, con nhỏ quá thịt teo lại chẳng còn được là bao), còn con lớn dễ bị dai.

* Muốn lựa sò còn tươi, chị em chú ý những rổ sò có nhiều con sò thò lưỡi ra ngoài là lứa sò đó còn tươi sống.

* Nếu có thời gian bạn nên lựa từng con. Nếu sò ngậm miệng, chị em vẫn có thể biết được sò sống hay chết bằng cách ngửi sò, nếu có mùi hôi thì tuyệt đối không mua nhé!



Mang-boc


- Cá

* Cá mới đánh bắt lên mắt còn tươi, trong. Mang cá có màu đỏ tươi, không bị thâm đen. Dùng tay ấn nhẹ vào mình cá, thấy thịt đàn hồi trở lại là còn tươi. Với những loài cá có vảy, cá tươi có lớp vảy xếp chặt, sáng bóng, không bị bong tróc.

- Mực

* Mực có nhiều loại như mực ống, mực nang, mực trứng, mực cơm... Có những cách lựa chọn giống nhau như mực dày mình, lớp màng màu nâu đặc trưng bên ngoài da vẫn bao quanh đều. Đầu mực vẫn còn dính chặt vào thân, túi mực chưa bị vỡ. Với mực nang, bạn nên chọn con to, thịt có màu trắng đục; mực ống chọn con có lớp thịt màu trắng hồng, đưa lên mũi không có mùi tanh là được.

- Ngao

* Khi mua ngao, chị em nên chọn những con vỏ còn cứng và đóng chặt miệng. Dùng tay tách thử vỏ ngao, nếu có thể dễ dàng tách chúng ra tức là ngao chết. Cũng có những con ngao còn sống mà miệng của chúng lại mở ra. Lúc này, dùng tay chạm vào chúng, nếu thấy ngao di chuyển hoặc miệng khép lại, tức là ngao còn tươi sống.



Mang-boc


- Ốc

* Ốc ngon có mày nằm sát bên ngoài, khi đụng tay vào, mày khép lại. Ngược lại, mày thụt sâu vào trong là ốc không ngon. Ốc chết có mùi rất khó chịu.

Mang-boc


Cách làm sạch ngao, sò, ốc

- Với ngao, sò:

* Mua ngao, sò về sau khi rửa sạch bên ngoài, chị em pha thêm một chậu nước muối nhạt có độ mặn như nước biển. Xắt khoảng 2 quả ớt bỏ vào chậu nước sau đó bỏ sò, ngao vào ngâm. Ngâm độ 1-2 tiếng, sò và ngao sẽ nhả hết bùn cát ra.



Mang-boc


- Với ốc:

* Đối với ốc, chị em có thể làm sạch bùn bằng cách: Ngâm ốc trong một chậu kim loại có chứa ít nước và thả một số đồ dùng bằng kim loại vào như: dao thái rau, thìa, đũa, dĩa… vào khoảng chừng 2-3 tiếng, khi ốc ngửi phải các đồ dùng bằng kim loại này chúng sẽ nhả bùn ra rất nhanh và sạch.

* Hoặc sử dụng nước vo gạo ngâm ốc mua từ chợ về (hoặc được bắt từ dưới sông lên) khoảng 1-2 tiếng, tất cả chất bùn trong miệng ốc sẽ tự động nhả ra và vón thành từng mảng chất nhầy, sau đó chị em chỉ cần rửa lại với nước sạch và chế biến bình thường.

* Ngoài ra với những loại sò lớn như: sò dương, sò điệp, ốc đỏ… chị em nên tách sò ra rửa sạch rồi mới cho lại vào vỏ để chế biến.


Theo Vnexpress



Một số loài ốc biển có tiền sử gây ngộ độc

Đến nay, VN đã xác định được ít nhất ba loài ốc cối (Conus) chứa độc tố dưới dạng nọc độc (venom) có khả năng gây chết người. Trong đời sống tự nhiên, ốc cối sử dụng độc tố làm vũ khí săn mồi, có khả năng gây tê liệt con mồi trong thời gian rất nhanh. Song độc tố này bị bất hoạt ở nhiệt độ cao nên không gây ra ngộ độc thực phẩm.



Mang-boc

- Chọn mặt ốc để "né"

* Một số loài ốc chỉ độc ở bộ phận nhất định (thường là tuyến nước bọt). Sở dĩ dẫn đến ngộ độc với các loài này là do con người bất cẩn, không loại bỏ phần độc trước khi ăn. Nhưng cũng có những loài ốc luôn luôn độc và hết sức nguy hiểm đến tính mạng nếu chúng ta vô tình ăn chúng.

* Đáng lưu ý là có một số loài ốc biển thông thường không hề gây ngộ độc cho con người, nhưng đột nhiên trong thời điểm nào đó lại trở nên độc mà chúng ta chưa thể biết nguyên nhân. Gần đây, khá nhiều loài ốc được ghi nhận là nguyên nhân của các vụ ngộ độc như ốc mặt trăng (turban), ốc đụn (the top of shells), ốc tù và (trumpet shells), ốc hương Nhật Bản (ivory snails), ốc trám (oliva)... Tại Brunei, năm trẻ em đã chết sau khi ăn ốc trám (hay còn gọi là ốc ôliu). Tại Đài Loan, 17 nạn nhân ngộ độc (một người tử vong) sau khi ăn món xào chế biến từ loài ốc bùn ca tút (Nassarius castus) và ốc bùn hình nón (N. conoides).

* Tùy từng loài ốc, bản chất độc tố có thể là saxitoxin (độc tố vi tảo tích lũy trong các sinh vật hai mảnh vỏ, một số loài cua rạn...), hoặc tetrodotoxin (độc tố cá nóc, mực đốm xanh hay con so...). Độc tố trong các loài ốc mặt trăng, ốc đụn và ốc trám đã được xác định là saxitoxin. Trong khi đó, độc tố của ốc tù và (Charronia sauliae), ốc hương Nhật Bản (Babylonia japonica), ốc tù và gai miệng đỏ (Tutufa lissostoma), ốc bùn (Niotha, Zeuxis), ốc ngọc (Natica và Polinices didyma) lại là tetrodotoxin. Hai độc tố này đều thuộc loại độc tố thần kinh cực mạnh, không hề bị phân hủy, biến tính trong quá trình xử lý ở nhiệt độ cao nên vẫn tồn tại trong sản phẩm thức ăn đã được chế biến, xào nấu hay thậm chí kể cả sản phẩm cấp đông, đóng hộp.



- Làm gì khi bị ngộ độc?

* Sau khi ăn phải thực phẩm biển có chứa độc tố tetrodotoxin hay saxitoxin, triệu chứng ngộ độc xảy ra trong vòng 20 phút đến 3 giờ, nạn nhân có cảm giác tê, rát bỏng ở môi và đầu lưỡi. Hiện tượng tê, rát bỏng lan dần đến chân tay, đôi lúc có kèm đau đầu, đau bụng, đau cánh tay, đi đứng loạng choạng, nôn mửa dữ dội rồi khó thở, hôn mê, hô hấp ngưng trệ do bị tê liệt... Nạn nhân có thể chết sau 30 phút hoặc 8 giờ nếu không được cấp cứu kịp thời.

* Hiện chưa có thuốc giải đặc hiệu cho các trường hợp ngộ độc do độc tố tetrodotoxin và saxitoxin. Biện pháp chữa trị y khoa hữu hiệu nhất là kích thích phản ứng nôn cho nạn nhân (nôn càng nhiều càng tốt), súc rửa dạ dày bằng than hoạt tính để thải loại bớt chất độc. Nếu nạn nhân có biểu hiện khó thở, lập tức phải tiến hành hô hấp nhân tạo, cho thở bằng máy.

* Phòng bệnh hơn chữa bệnh nên trước hết chúng ta cần hết sức thận trọng, tránh tò mò cầm nắm, đụng chạm vào những loài ốc lạ, màu sắc sặc sỡ... Tuyệt đối không ăn những loài nghi ngờ có độc hay chưa được kiểm chứng an toàn thực phẩm. Mặt khác, sau khi ăn bất cứ loài ốc biển nào mà bạn cảm thấy có triệu chứng như đã mô tả ở trên, lập tức phải đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ điều trị kịp thời, tránh xảy ra chuyện đáng tiếc.



(TS ĐÀO VIỆT HÀ (Viện Hải dương học)



Trang số:1|2|3|4|5